Đĩa than là một thú chơi mà đang trở lại có phần rầm rộ tại Việt Nam hiện nay, khi các thương hiệu nổi danh về analog như Pro-Ject, Sumiko, Ortofon,… đã mang đến các sản phẩm ở nhiều phân khúc khác nhau từ nhập môn đến cao cấp, mở ra vô vàn trải nghiệm đậm chất cổ điển cho những người yêu thích chất âm mộc mạc của đĩa than. Để chuẩn bị cho việc gia nhập thế giới đĩa than, chúng ta cần phải chuẩn bị một vài những thông tin cơ bản nhằm dễ dàng tiếp cận hơn.
Thông qua những bài viết này, hy vọng mọi người sẽ có một cái nhìn rõ ràng hơn về mâm đĩa than, cũng như là các bộ phận và thiết bị đáng chú ý khi chơi đĩa than.
Phần 1: CÁC LOẠI MÂM ĐĨA THAN
Mâm đĩa than (Turntable) đóng vai trò là một nguồn phát trong hệ thống âm thanh, và được thiết kế dành riêng cho đĩa than (còn gọi là đĩa Vinyl hay đĩa LP). Mâm đĩa than có nhiệm vụ chung là nền tảng cho đĩa than xoay, đọc những tín hiệu được ghi lại trên những rãnh nhỏ trên mặt đĩa, chuyển đổi chúng thành tín hiệu điện và chuyển chúng đến Amply. Cấu tạo của mâm đĩa than bao gồm một Platter ( thớt đặt đĩa than), được lắp trên một cây trụ (Spindle) nằm trong một ổ xoay. Platter sẽ thường được làm bằng các vật liệu như nhôm, thép, acrylic,…, và có một độ nặng nhất định để đảm bảo độ mượt mà và ổn định khi hoạt động. Spindle và Platter sẽ xoay trên một bạc đạn (Bearings) nằm dưới đáy trụ và hoạt động nhờ vào mô – tơ hoặc dây cu – roa (belt), và cuối cùng là phần đế (Plinth). Ngoài ra, tay cần (tonearm) và đầu kim (stylus) sẽ là 2 trong số những bộ phận quan trọng nhất, giúp mâm đĩa than chiết xuất thông tin và tín hiệu từ chiếc đĩa than.
Chúng ta sẽ có một vài cách để phân loại các loại mâm đĩa than phổ thông, mà thông dụng nhất chính là phân loại theo cơ chế truyền động và phân loại theo chế độ của mâm than.
Phân loại theo cơ chế truyền động:
Hiện nay, có một vài những chiếc mâm đĩa than được thiết kế với những cơ chế truyền động khác nhau, nhưng bài viết sẽ tập trung vào 2 cơ chế truyền động thông dụng nhất đó là Belt Drive và Direct Drive.
Truyền động bằng dây đai (Belt Drive):
Cơ chế truyền động này được sử dụng khá rộng rãi ở hầu hết các mâm đĩa than trên thị trường hiện nay, đặc biệt ở phân khúc cao cấp. Cụ thể, chiếc mâm sẽ bao gồm một mô tơ xoay và một sợi dây đai bao bọc xung quanh phần rìa ngoài của Platter, hoặc là phần phía trong của Platter (thông thường sẽ bao bọc sub Platter) tùy vào thiết kế. Ưu thế của các mâm đĩa than sử dụng cơ chế này chính là hệ thống chính sẽ được cách lí khỏi những chuyển động của mô tơ, giúp tránh khỏi độ nhiễu do mô tơ tạo nên khi hoạt động. Ngoài ra, tốc độ quay khi sử dụng hệ thống dây đai cũng sẽ nhất quán và ổn định hơn, giúp cho người dùng có thể nghe được cao độ của bản nhạc một cách chính xác như đã ghi.
Truyền động trực tiếp (Direct Drive):
Với cơ chế truyền động trực tiếp, việc chống nhiễu sẽ khó khăn hơn nhiều khi mà một mô tơ xoay được đặt trực tiếp phía dưới Platter. Điều này cũng khiến cho hệ thống truyền động bằng dây đai thông dụng hơn trong giới Audiophile. Tuy nhiên, các mâm đĩa than sử dụng hệ thống truyền động này được giới DJ ưa chuộng hơn, khi có tốc độ xoay nhanh hơn nhiều so với truyền động bằng dây đai.
Phân loại theo chế độ:
Phân loại theo chế độ sẽ chia mâm than ra thành 3 nhóm chính: Chế độ tự động, Chế độ bán tự động, và Chế độ thủ công.
Chế độ tự động:
Nếu là một người chơi nhập môn hoặc không muốn thao tác quá nhiều, mâm đĩa than với hệ thống tự động hoàn toàn là một lựa chọn tối ưu. Gần như tất cả những thao tác cần thiết như khởi động nâng tay cần, điều chỉnh tốc độ xoay đều được tích hợp vào những nút bấm, mang lại sự tiện lợi đến với người dùng. Đồng thời, thiết bị cũng sẽ tự động dừng và trả tay cần về vị trí cũ khi bản nhạc kết thúc, giúp cho người dùng không phải lo lắng về vấn đề này.
Chế độ bán tự động :
Những chiếc mâm được thiết kế bán tự động sẽ cho phép mâm đĩa than tự động dừng và trả tay cần (tonearm) về vị trí cũ khi bản nhạc kết thúc. Ngoài ra, các thao tác khác người dùng sẽ phải tự điều chỉnh và thực hiện.
Chế độ thủ công:
Đa số những mâm đĩa than thông dụng hiện nay đều mang chế độ thủ công. Nghĩa là, người dùng sẽ tự mình thực hiện những thao tác như điều chỉnh tốc độ, đặt tay cần vào đĩa, và sau khi bản nhạc kết thúc thì lấy ra và đưa về vị trí cũ. Vậy, tại sao những mâm đĩa than đều sử dụng chế độ thủ công? Vì các mâm than được thiết kế theo chế độ khác phải mang rất nhiều linh kiện và các cơ chế máy móc, từ đó sẽ làm tăng thêm ma sát cho tay cần, dẫn đến chất lượng âm thanh bị ảnh hưởng nặng nề. Ngoài ra, các bộ phận này cũng làm tăng thêm chi phí mà không thể cải thiện được âm thanh được tái tạo, thậm chí còn làm giảm hiệu suất hoạt động của mâm đĩa.