“Cẩm nang” mâm đĩa than dành cho người mới (Phần 2: Tonearm)

Thứ Tư, 24/01/2024

Với mâm đĩa than, tay cần chính là một trong những bộ phận quan trọng nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng hoạt động của mâm. Vai trò của tay cần không chỉ đơn giản là di chuyển từ ngoài vào trong, mà còn phải tuân theo những quy tắc lên xuống trong các rãnh đĩa.

Mục lục

Tay cần (Tonearm) chính là nơi mà mọi người sẽ gắn đầu kim (Cartridge) lên, và cũng là bộ phận giúp đầu kim trượt trên rãnh đĩa một cách cân bằng. Với mâm đĩa than, tay cần chính là một trong những bộ phận quan trọng nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng hoạt động của mâm. Vai trò của tay cần không chỉ đơn giản là di chuyển từ ngoài vào trong, mà còn phải tuân theo những quy tắc lên xuống trong các rãnh đĩa. Vì vậy, tay cần phải thật vững vàng nhằm tạo nền tảng cho đầu kim hoạt động, phải có độ cứng và độ chính xác để đầu kim có thể di chuyển theo rãnh đĩa, và phải có độ linh hoạt nhất định để cùng di chuyển với đầu kim. Các tính năng như độ cứng, khối lượng, khả năng chống rung chấn và khả năng di chuyển đều ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất hoạt động của tay cần

Vật liệu tay cần:

Chất liệu chế tác tay cần cũng sẽ phần nào ảnh hưởng đến âm thanh. Chất lượng vật liệu càng cao thì trải nghiệm âm thanh dành cho người dùng sẽ càng tốt. Các vật liệu này thường sẽ là ở phần armtube của tay cần. Chúng thường được làm bằng kim loại( nhôm, titan hoặc thép), nhưng cũng có những mẫu có cấu tạo từ gỗ hay sợi carbon. Nhờ vào những vật liệu này mà tay cần có khả năng kiểm soát rung động từ đầu kim tốt hơn, giảm thiểu những ảnh hưởng không tốt đến chất lượng âm thanh. 2 loại vật liệu thường thấy nhất ở tay cần chính là kim loại và sợi carbon.

Tay cần bằng nhôm trên mẫu mâm Pro-Ject A1

Kim loại: Với các tay cần kim loại, vật liệu thường thấy nhất chính là nhôm. Nhôm hoạt động tốt vì tính chất vừa nhẹ vừa chắc chắn, giúp giảm thiểu rung động khi đầu kim chạy trên mặt đĩa. Ngoài ra còn có một số tay cần được chế tác từ titan hoặc thép.

Tay cần bằng sợi Carbon trên mẫu Pro-Ject Debut Carbon EVO

Sợi Carbon: Với đặc tính nhẹ và bền cứng hơn nhôm, sợi carbon cũng dần dà trở thành một vật liệu chế tác tay cần ở các mâm đĩa than cao cấp hiện nay.

Hình dáng tay cần:

Hình dáng tay cần cũng là một điểm đáng chú ý, do đây cũng là một yếu tố phần nào ảnh hưởng đến chất âm của mâm than. Thông thường, tay cần sẽ được chia thành 3 dạng:

Hình dạng thẳng: Tay cần thẳng là hình dáng thường thấy nhất trên những chiếc mâm đĩa than phổ thông. Theo đó, tay cần thẳng sẽ mang nhiều kích thước khác nhau, và tay cần càng dài, càng nặng thì sẽ càng đầm và ổn định, tuy nhiên sẽ phải cần trang bị hệ thống chống trượt (anti – skating). Còn với các tay cần ngắn, trọng lượng nhẹ thì sẽ không cần hệ thống này, mang lại sự dễ dàng hơn cho người dùng. Do đặc tính nhẹ, các tay cần này phản ứng dễ dàng hơn với những va chạm và lắc lư nhẹ của kim. Thế nhưng, điểm hạn chế của loại tay cần thẳng trọng lượng nhẹ này là sẽ có nguy cơ nhảy khỏi rãnh đĩa cao hơn, và sẽ không thể nâng cấp đầu kim. Đây là sự lựa chọn thường thấy cho các mâm nhập môn.

Mâm Pro-Ject Xtension 12 Evolution, với tay cần Ortofon RS-309D hình J – Shapre

J – Shape: Tay cần có hình dạng chữ J sẽ có phần tương tự như là tay cần thẳng, nhưng có phần đầu hơi cong hướng vào phần thớt xoay một chút, tạo thành hình chữ J. Mục đích của hình dáng này chính là cho phép tay cần có thể dài hơn thêm một chút mà vẫn đảm bảo kích thước của mâm than, tạo thêm trọng lượng cho tay cần thêm mượt mà.

Tay cần S – Shape trên mẫu mâm Pro-Ject Metallica

S – Shape: Đây là hình dạng tay cần được nhiều người đánh giá là tối ưu nhất cho một chiếc mâm đĩa than. Cụ thể, tay cần mang hình dáng này sẽ có thiết kế hình chữ S với 2 đường cong, tạo nên một điểm tựa tại vị trí chính giữa tay cần, giúp tay cần có độ cân bằng về phương ngang tốt hơn. Điều này giúp cho tay cần hoạt động ổn định dù cho đĩa bị cong vênh, hoặc có những ảnh hưởng đến khả năng di chuyển của mũi kim trên rãnh như rung chấn. Ngoài ra, hình dạng này còn khiến cho mũi kim dễ dàng nằm ở chính giữa rãnh đĩa, giúp khai thác tốt hơn thông tin của đĩa.

Cấu tạo của tay cần:

Về cấu tạo, tay cần thông thường bao gồm nơi gắn đầu kim (Headshell), phần armtube (thân tay cần), tạ đối trọng ( Counter Weight), Bearing (ổ xoay tay cần), Cần Cueing và bộ phận chống trượt (Anti – Skating).

Headshell:

Headshell là nơi để lắp đầu kim vào tay cần. Ở bộ phận này sẽ có những chiếc lỗ riêng biệt để gắn đầu kim vào. Thông thường, headshell sẽ có 2 dạng, phân biệt là lỗ cố định (chỉ phù hợp với một loại đầu kim nhất định) và lỗ khớp (phù hợp với nhiều loại đầu kim khác nhau hơn). Lỗ cố định sẽ thường thấy ở những mâm đĩa than nhập môn.

Tạ đối trọng:

Tạ đối trọng là bộ phận giúp người dùng điều chỉnh lực độ tỳ chính xác dành cho các mẫu đầu kim khác nhau. Thông thường, để tái tạo lại âm thanh từ đĩa than, thì đầu kim phải được đặt vào trong các rãnh đĩa dưới một lực tỳ nhất định.

Các loại đầu kim khác nhau sẽ có lực kim đề nghị khác nhau, giúp đảm bảo chất lượng âm thanh chính xác và không làm hư hại đĩa hay đầu kim khi sử dụng. Do đó, tính năng điều chỉnh tạ đối trọng là một trong các yếu tố vô cùng cần thiết khi mua mâm đĩa than. Việc cân chỉnh tạ đối trọng cũng cần phải thực hiện một cách tỉ mỉ và chính xác. Nếu chỉnh tạ quá nhẹ, nặng phần cuối tay cần, đầu kim sẽ dễ bị bật lên trên và tạo nên hiện tượng “nhảy đĩa”, đồng thời âm thanh cũng sẽ bị mỏng đi. Còn nếu chỉnh quá nặng, đầu kim nặng hơn sẽ tỳ vào bề mặt đĩa và các rãnh trên đĩa, gây hư hại đến cả đĩa và thanh kim – đầu kim (Cantilever – Stylus).

Chống trượt (Anti Skating):

Bộ phận chống trượt giúp người dùng điều chỉnh hướng di chuyển của tay cần sao cho không bị kéo về phía trung tâm hay rìa ngoài của đĩa khi đang xoay (lực hướng tâm và lực ly tâm). Đĩa Vinyl thường có 2 kênh âm thanh gồm trái và phải, ứng với 2 bên của những rãnh âm. Nếu không điều chỉnh chống trượt cho tay cần một cách hợp lý, rãnh âm có thể xuất hiện hiện tượng mòn rãnh ở một bên, khi tái tạo âm thanh cũng sẽ khiến âm thanh bên đó trở nên thiếu chi tiết và nhỏ hơn. Thông thường, sẽ có 3 phương pháp chống trượt cho tay cần, bao gồm sử dụng trọng lực ( thông qua một chiếc tạ nhỏ), sử dụng lò xo và sử dụng nam châm.

Cần Cueing:

Cần cueing là bộ phận giúp nâng kim lên và đặt kim xuống mặt đĩa một cách quy củ và an toàn nhất. Đây là một tính năng bắt buộc phải có ở hầu hết các mâm đĩa than hiện nay.

Bearing ( Ổ xoay tay cần):

Bearing là bộ phần nằm ở khu vực bệ đỡ của tay cần, có nhiệm vụ giúp tay cần xoay quanh 1 điểm theo các hướng ngang – dọc một cách dễ dàng mà vẫn đảm bảo sự ổn định. Thông thường Bearing sẽ được chi làm 2 loại: Gimbal và Unipivot. Ngoài 2 loại trên, hệ thống bearing còn bao gồm một số loại khác nhưng ít thông dụng hơn.

Gimbal: Gimbal là cơ chế thông dụng nhất đối với các tay cần trên thị trường hiện nay. Theo đó, tay cần theo chế độ này sẽ được trang bị các bearing riêng biệt cho trục ngang và trục dọc, đồng thời sẽ di chuyển độc lập với nhau. Hệ thống bearing tốt hơn sẽ giúp cải thiện âm thanh do không có ma sát được tạo ra khi tonearm di chuyển trên các rãnh đĩa.

Unipivot: Cơ chế Unipivot chỉ bao gồm 1 bearing cho cả trục ngang và trục dọc, giúp cho tay cần có thể di chuyển theo mọi hướng. Đây thường là một ổ trục cố định nhỏ với một chiếc chân nhọn tiếp xúc với tay cần. Về ưu điểm, Ưu điểm của thiết kế này là hầu như không có ma sát và độ cộng hưởng truyền qua cánh tay là tối thiểu. Người dùng có thể tìm thấy thiết kế này ở trên các mẫu tay cần cao cấp.

Chia sẻ bài viết
Facebook
Góp ý bài viết
Bạn có thể để lại góp ý về bài viết trên hoặc lời nhắn về chủ đề bạn muốn tìm hiểu thêm qua Blog của Pro-Ject Audio Vietnam

Các bài viết liên quan

Kiến thức, Tin tức
8 lý do bạn nên sưu tầm đĩa than
Điều gì đã lôi cuốn bạn đến với đĩa than? Hãy cùng chúng mình tìm hiểu trong bài viết này!
Kiến thức
“Cẩm nang” mâm đĩa than dành cho người mới (Phần 1: Các loại mâm đĩa than)
Đĩa than không chỉ là thưởng thức âm thanh, mà còn là một thú chơi vô cùng thú vị mà đầy tinh tế. Như vậy, có những thông tin và yếu tố gì mà những người mới cần biết để chuẩn bị bước vào “cuộc chơi đĩa than” đầy hấp dẫn này?
Kiến thức
6 điều cần biết khi bảo quản đĩa than (P.2)
Việc giữ gìn và bảo quản đĩa là vô cùng quan trọng, nó không quá cầu kì, nhưng việc này đòi hỏi chúng ta cần phải thực hiện đúng để có thể giữ gìn tốt chất lượng của đĩa theo thời gian.
Kiến thức
6 điều cần biết khi bảo quản đĩa than (P.1)
Đĩa than có thể được xem là một những cầu nối giữa tâm hồn chúng ta với âm nhạc, vì vậy việc giữ gìn và bảo quản tốt chiếc đĩa than của mình cũng một cách để bảo vệ tâm hồn của người nghe nhạc nói chung, và những tín đồ mâm đĩa than nói riêng
Kiến thức
3 Lưu ý nhỏ khi chơi mâm đĩa than
Chơi mâm than không chỉ đơn thuần là nghe nhạc, mà còn là đại diện cho phong cách sống.
Kiến thức
Quy trình “ra đời” của các sản phẩm “Box” của Pro-Ject Audio
Thoạt nhìn tưởng chừng như đơn giản, nhưng quy trình sản xuất những mẫu sản phẩm "Box" của Pro-Ject Audio lại vô cùng kỳ công, được thể hiện qua đoạn phim sau đây.

Cập nhật tin tức từ Pro-Ject Audio Việt Nam

Đăng ký email để nhận thông tin và ưu đãi mới nhất từ Pro-Ject Audio Việt Nam